in

Người trẻ “vướng mắc” gì với văn chương?

Trần Quỳnh Hoa

Ngày 22/12/2024, NXB Hội Nhà văn đã tổ chức chuỗi sự kiện “Đối thoại với người trẻ” nhằm tạo ra một diễn đàn văn học dành riêng cho những người viết trẻ. Chương trình đầu tiên có chủ đề “Tại sao ta yêu?” với chủ tọa là nhà văn Đức Anh và khách mời là nhà văn Hiền Trang.

Host Đức Anh và khách mời Hiền Trang tại sự kiện.

“Tại sao ta yêu?” là tên gọi một tập tiểu luận của nhà văn Hiền Trang, gồm mười sáu chương viết về các nhân vật nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật như Haruki Murakami, Norah Jones, Vincent Van Gogh, Frédéric Chopin… Lý giải về lựa chọn viết tiểu luận, Hiền Trang cho rằng thể loại tiểu luận có tính linh hoạt hơn so với tiểu thuyết, vốn nhấn mạnh nhiều vào kết cấu. Tiểu luận cũng có thể được viết ngẫu hứng, với dung lượng ngắn dễ đọc hơn, như một bài hát so với bản giao hưởng dài tiểu thuyết. Thêm vào đó, viết tiểu luận cũng là cách để tác giả mở rộng đề tài sáng tác, đưa ra nhiều lựa chọn hơn cho độc giả dễ tiếp cận và lựa chọn. 

Đức Anh thắc mắc: Vậy sao Hiền Trang lại không làm thơ? Hiền Trang cũng không biết nỗi sợ làm thơ đến từ đâu, dù bản thân là người rất thích thơ. Cô cảm giác rằng làm thơ rất dễ bị trượt, vì thơ giống như cái đầm lầy, nếu không cẩn thận sẽ bị lôi kéo và mất đi sự kiểm soát văn chương của mình.

Nhân việc nhà văn Han Kang người Hàn Quốc đoạt giải Nobel Văn học năm nay, nhà thơ Trần Đăng Khoa có nói trong một cuộc phỏng vấn với báo chí rằng ông rất tin và kỳ vọng vào các nhà văn trẻ, nếu Việt Nam có giải thưởng quốc tế thì sẽ bắt đầu từ các em, chứ không phải thế hệ của ông, dù thế hệ ấy có nhiều tài năng xuất chúng. Với Đức Anh, đây là lời động viên lớn dành cho thế hệ sau. Anh cũng từng đọc và thấy rằng tác phẩm “Gặp gỡ cuối năm” của Nguyễn Khải không hề kém cạnh so với tiểu thuyết “Lễ hội của vô nghĩa” của Milan Kundera; nhiều nhà văn Việt Nam của thế hệ trước đã có thể sánh ngang với những người đồng nghiệp nổi tiếng trên văn đàn thế giới. 

Với Hiền Trang, giải Nobel chỉ là ẩn dụ cho nhu cầu được nhìn thấy. Cô cảm giác rằng nhà văn trẻ ở Việt Nam gần như vô hình. Nếu dư luận quan tâm đến một nhà văn trẻ, thường là vì scandal hay sự vụ nào đó không liên quan đến văn chương, chứ ít khi bàn luận về tính chất chuyên môn trong tác phẩm họ viết ra. Bao giờ họ sẽ được nhìn thấy? Và rốt cuộc thì việc nhìn thấy có quan trọng không? Quay lại với ý kiến của Đức Anh, Nguyễn Khải viết truyện rất hay, nhưng thế giới có mấy ai biết đến Nguyễn Khải? Đôi khi, đọc những nhà văn ít ai biết đến lại cho phép cô nhìn nhận họ gần hơn và chính xác hơn, không cần phải vượt qua tầng lớp ý kiến của rất nhiều người khác nói về họ. Còn đối với nhà văn, Hiền Trang thấy rằng điều quan trọng không phải ai nhìn ta mà là ta có viết văn không. 

Tiếp tục chủ đề về văn học nước nhà và thế giới, nhà văn Đức Anh chia sẻ rằng gần đây anh đang làm một dự án riêng: viết xong một cuốn tiểu thuyết, rồi viết lại một phiên bản khác của nó bằng cách rút đi hết những chi tiết mà thế giới không hiểu được, như kinh nghiệm với “gốc cây sả” hay “tiếng nấc người thầy cúng” – được tác giả xem như nhịp của đám tang Việt Nam. Cách lược bỏ này chính là phương pháp sáng tác của tác giả Nhật Bản nổi tiếng thế giới Haruki Murakami, tức là bỏ qua nét văn hóa quá đặc thù và chỉ giữ lại những gì bạn đọc Âu, Mỹ… toàn cầu có thể hiểu được. Sau khi rút gọn xong, Đức Anh gửi tiểu thuyết (đã được dịch sang tiếng Hà Lan bằng ứng dụng Chat GPT) cho một nhà văn làm ở tờ báo lớn của Hà Lan là NRC; tác phẩm được họ hoan nghênh và giới thiệu cho nhà xuất bản. Như nhà thơ Hữu Việt từng nói, phải “toàn cầu hóa” tác phẩm bằng tiếng Việt trước khi đưa đến bạn đọc nước ngoài. Nhưng Đức Anh vẫn cảm thấy “lấn cấn như một cầu thủ ngoại, có gì đó sai sai”, vì tác phẩm sau khi cắt gọt hình như không còn là văn chương của mình.

Với Hiền Trang thì điều đó có thể chấp nhận được, bởi văn mình sau khi dịch ra ngôn ngữ nước ngoài thì cũng bị biến đổi rất nhiều rồi. Quan trọng là sở thích của từng nhà văn. Nhiều tác phẩm rất lớn từng được xem là không dịch được, nhưng về cơ bản vẫn giữ được những nội dung cần giữ sau khi được dịch sang ngôn ngữ khác. 

Một góc trang trí tại NXB Hội Nhà văn

Hai cây bút trẻ đều đồng ý rằng đây là vấn đề cần được xem xét toàn diện, vì nó còn liên quan đến việc giao lưu với bạn bè năm châu. Đức Anh kể câu chuyện vui, ở bến xe buýt nọ có một anh móc túi, người ta thống kê là anh ta ít nhất đã từng móc túi một người viết văn. Hiền Trang cũng chỉ ra rằng hiện tại có rất nhiều bạn trẻ đang viết, không hề ít hơn ngày xưa, thậm chí còn nhiều hơn vì dân số tăng. Đây là tín hiệu tốt, mong rằng đời sống văn học của nước ta sẽ ngày càng sôi nổi hơn, với sự tham gia đông đảo của các bạn trẻ. Xin chúc quý độc giả có thật nhiều hứng thú sáng tác văn chương và một lễ Giáng sinh hạnh phúc!

What do you think?

Di Cảo Đặng Đình Hưng, gánh thơ để lại cho đời sau