Trần Quỳnh Hoa
Trong thời đại 4.0 chuyển biến không ngừng, mỗi chúng ta chắc ai cũng đã từng có cảm giác choáng ngợp bởi khối lượng thông tin khổng lồ luôn hiện diện trên màn hình điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop… Quá nhiều luồng thông tin và nhu cầu cấp thiết của thời đại thường xuyên ép chúng ta vào guồng quay của việc phải xử lý thông tin thật nhanh nhằm đưa ra quyết định tốt nhất và đúng đắn nhất. Điều này chắc chắn khiến cho bộ óc và cơ thể chúng ta vô cùng mệt mỏi. Thế nhưng để có thể rời ra khỏi màn hình chiếc điện thoại thông minh đó để nghỉ ngơi và thư giãn không chỉ khó, mà đôi khi là không thể.
Một trong số những nguyên nhân gây ra hiện tượng này là vì cơ thể chúng ta đã quen với trạng thái căng thẳng, lo âu quá mức dẫn đến việc cơ thể không thể tự tìm về trạng thái cân bằng tự nhiên. Thiền được coi là một giải pháp thực tế và hữu ích cho vấn đề này. Đặc biệt, hiện nay, không chỉ những người lớn tuổi hay trung niên mà ngay cả các bạn trẻ cũng ráo riết tìm đến các lớp học thiền. Trong số các phương pháp thiền, có hai phương pháp hết sức quen thuộc là thiền tĩnh và thiền động. Thiền tĩnh là loại hình tập trung vào việc ngồi yên, có thể tập trung vào hơi thở, để đạt trạng thái tĩnh tâm. Đây là loại hình thiền truyền thống và phổ biến. Ngoài ra, nhiều độc giả của đạo sư Osho có thể đã làm quen với cách thiền động, tức là để cơ thể vận động hỗn loạn và ngẫu nhiên nhằm giải tỏa tâm lý toàn thân.
Mới đây, có một phương pháp thiền vừa được ứng dụng thành công trong việc huấn luyện trẻ tự kỷ. Đó là phương pháp thiền năng lượng rung động cộng hưởng (VREM) được phát triển bởi TS. Phan Quốc Việt. Vào ngày 12/7/2024, TS. Phan Quốc Việt đã mở chương trình đào tạo nhằm giới thiệu phương pháp “Thiền năng lượng rung động cộng hưởng” và ứng dụng của nó trong việc dịch chuyển đẳng cấp lãnh đạo và tổ chức.
Thiền năng lượng rung động cộng hưởng (VREM) là bước tiến xa hơn từ thiền tĩnh và thiền động Osho, kết hợp giữa thiền, sự tập trung cao độ và sự điều chỉnh năng lượng thông qua rung động. Bài tập thiền năng lượng rung động cộng hưởng yêu cầu người tập phải đứng thăng bằng trên một quả bóng lớn, đồng thời tung hứng 3 bóng nhỏ và đội chai trên đầu. Việc đứng thăng bằng trên bóng và đội chai trên đầu giúp người tập giữ một tư thế thẳng và chuẩn xác nhằm tối ưu hóa việc duy trì nguồn năng lượng trong cơ thể. Các động tác tung hứng bóng đòi hỏi sự tập trung cao độ và độ khéo léo cao khiến cho người tập dễ dàng bỏ qua những vướng bận khác trong tâm trí và chỉ chuyên tâm vào việc tung bóng. Việc thực hành phương pháp này cần đi đôi với sự hướng dẫn từ các thầy giáo chuyên môn. Thêm vào đó, cường độ tập luyện phù hợp cũng rất quan trọng.
Phương pháp này giúp cải thiện sự tập trung, nâng cao tinh thần, và tối ưu hóa sức khỏe tâm trí và thể chất. Minh chứng cụ thể là việc ứng dụng thiền năng lượng rung động cộng hưởng với trẻ tự kỷ. Ví dụ như Phạm Thành Nam, em bị tự kỷ và thường có những hành vi nguy hiểm như cấu, cắn người khác và lao ra đường. Thế nhưng, chỉ sau một năm rèn luyện theo phương pháp thiền năng lượng rung động cộng hưởng, em đã trở nên tự chủ hơn, biết cách tự sinh hoạt cá nhân và sống hòa đồng hơn trong tập thể. Đặc biệt, em Nguyễn Khắc Hưng, cũng mắc chứng tự kỷ nặng và được huấn luyện theo phương pháp thiền năng lượng rung động cộng hưởng, đã vượt qua mọi rào cản cá nhân để trở thành kỷ lục gia Guinness Thế giới với năng lực “đứng thăng bằng trên bóng, đội bóng tennis trên đầu và tung hứng 3 bóng tennis trong thời gian lâu nhất là 35 phút 9 giây”.
Tất cả những thành công đó cho thấy hiệu quả xuất sắc của phương pháp thiền năng lượng rung động cộng hưởng. Hơn thế, việc áp dụng thành công phương pháp này cho trẻ tự kỷ – một đối tượng học viên gặp khó khăn đặc biệt trong việc nhận thức – cho thấy tiềm năng rộng mở của thiền năng lượng rung động cộng hưởng. Vì vậy, việc mở rộng ứng dụng của phương pháp này để nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất của nhiều người hơn và trong nhiều môi trường đa dạng hơn là hết sức cần thiết.