Sao Mai
Được biết gần đây Tác giả/Dịch giả Khánh Phương đã xuất bản 3 cuốn sách về trẻ tự kỷ. Cuốn thứ nhất: Hành trình của cậu bé tự kỷ nặng đến sở hữu kỷ lục Guinness Thế giới; Cuốn thứ hai: Sứ mệnh từ vũ trụ; Cuốn thứ ba: Dành cho phụ huynh có con em tự kỷ. Chúng tôi đã có dịp tiếp cận và được tác giả chia sẻ về câu chuyện liên quan đến 3 cuốn sách này. Nội dung cụ thể như sau:
Phóng viên: Xin tác giả cho biết lý do về sự ra đời của những cuốn sách này?
Nhà văn/Dịch giả Khánh Phương: Có một sự gia tăng đáng lo ngại về tỷ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ ở thế giới và Việt Nam. Theo một nghiên cứu do Trung tâm Kiểm tra giám sát và Phòng chống dịch bệnh công bố, tỷ lệ rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em Mỹ bắt đầu tăng cao từ năm 2018 đến năm 2020. Tỷ lệ trẻ 8 tuổi mắc chứng tự kỷ ở Mỹ tăng từ 2,3% trong năm 2018, lên 2,8% trong năm 2020. Trong khi đó, ở Việt Nam, khoảng 1% dân số mắc chứng tự kỷ, với 1 triệu người mắc và 8 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp. Đây chỉ là con số thống kê từ năm 2016.
Tự kỷ không chỉ gây ra nỗi đau khổ cho gia đình mà còn là một gánh nặng đối với nền kinh tế quốc gia và thế giới. Vấn đề này đã trở thành mối quan tâm về an ninh xã hội và thu hút sự chú ý đặc biệt từ các quốc gia phát triển trên thế giới. Điều trị hội chứng tự kỷ, đặc biệt ở lứa tuổi dậy thì, tự kỷ nặng hung dữ vẫn là một thách thức lớn đối với thế giới, hiện chưa có phương pháp nào đặc hiệu, chỉ có sự kết hợp giữa các phương pháp như dược trị liệu; tâm lý-xã hội trị liệu và vận động trị liệu… Tuy nhiên, những phương pháp này cũng chỉ cho kết quả rất hạn chế. Bên cạnh đó, những thông tin xác đáng về trẻ tự kỷ và các biện pháp hỗ trợ đa dạng lại vô cùng thiếu.
Tôi nhận thấy, việc viết những cuốn sách về trẻ tự kỷ không chỉ là một nhiệm vụ, mà còn là một sứ mệnh cần thiết mang ý nghĩa sâu sắc của người giàu lòng trắc ẩn. Trong một thế giới, nơi mà thông tin dường như vô tận nhưng lại thiếu chính xác về trẻ tự kỷ và cách hỗ trợ đa dạng, đang là vấn đề mà nhiều phụ huynh phải đối mặt. Vì thế, những cuốn sách này ra đời nhằm cung cấp một số kiến thức cơ bản, đồng thời gợi mở một số phương pháp có chọn lọc đã được kiểm nghiệm, giúp phụ huynh hỗ trợ con em mình một cách hiệu quả. Từ đó có thể mang lại cho trẻ tự kỷ một cuộc sống tốt đẹp nhất có thể.
Phóng viên: Được biết chị là tác giả thiên viết về tình, vậy chị có thể nói tóm tắt về điều này?
Nhà văn/Dịch giả Khánh Phương: Tôi từng xuất bản hàng chục đầu sách, cả trong nước lẫn ngoài nước. Có sách tiếng Việt, có sách song ngữ Anh – Việt hoặc đa ngữ. Hầu hết, những cuốn sách của tôi tập trung vào việc viết về các chủ đề như tình yêu, tình ái, và tình dục. Ít nhiều tôi đã chạm vào trái tim của những độc giả. Bởi vì, những chủ đề này, vốn chứa đựng sự phong phú về cảm xúc và đam mê, thể hiện sâu sắc những khía cạnh phức tạp của quan hệ con người. Sự chân thực và sâu sắc trong việc khám phá những cảm xúc này đã tạo nên một sự liên kết mạnh mẽ với độc giả, chúng phản ánh trải nghiệm sống hàng ngày, những nỗi niềm, hy vọng và thách thức mà họ đối mặt.
Việc viết về tình yêu, tình ái, và tình dục thường đòi hỏi sự nhạy cảm và khả năng hiểu biết sâu sắc về tâm lý con người. Từ những trải nghiệm của bản thân và qua lăng kính quan sát những người xung quanh, tôi đã khám phá những mảng màu tình cảm khác nhau, từ niềm vui sướng, hạnh phúc đến nỗi buồn, cô đơn và sự phức tạp trong mối quan hệ. Điều này giúp tạo dựng nên những câu chuyện có sức hút, kéo độc giả vào thế giới của nhân vật, cho họ cảm nhận được những rung động tinh tế nhất.
Tôi vẫn tưởng chủ đề về tình yêu, tình ái, và tình dục sẽ chỉ là chủ đề duy nhất mà mình hướng tới. Cho đến một hôm, tôi gặp những người thầy về giáo dục trẻ tự kỷ, gặp gỡ và quan sát nhiều trẻ tự kỷ tại một số trung tâm giáo dục trẻ tự kỷ và có những trăn trở không thể bỏ qua. Từ đây tôi đã tìm hiểu và khám phá về những chủ đề liên quan đến khả năng phát triển, sự kiên trì, tình thương yêu, những thách thức cũng như niềm vui mà người tự kỷ và những người hỗ trợ từng trải qua.
Tôi như khám phá ra các mối quan hệ và cảm xúc từ một góc nhìn mới, thách thức bản thân để hiểu và diễn đạt trải nghiệm sống của những người tự kỷ với cùng một độ sâu và nhạy cảm. Sự chuyển đổi này tạo ra sự đồng cảm về cuộc sống, về tình nhân ái. Thế nên, tôi bị thôi thúc muốn truyền tải thông điệp về sự chấp nhận, hiểu biết và ủng hộ sự đa dạng trong các mối quan hệ, đặc biệt với người tự kỷ. Nó như một sứ mệnh, một thách thức cho chính bản thân, nhằm: Kể câu chuyện cụ thể về người tự kỷ và những người xung quanh họ; những câu chuyện gồm cả thành tựu và thách thức; Chia sẻ thông tin về cuộc sống của trẻ tự kỷ cũng như những điều cần biết để tạo ra một môi trường hỗ trợ và bao dung hơn cho người tự kỷ; Thay đổi định kiến và quan điểm sai lệch về tự kỷ, đưa ra quan điểm mới, mở rộng sự hiểu biết và thay đổi cách suy nghĩ của xã hội về người tự kỷ. Từ đó tôi trở nên quan tâm nhiều hơn về chủ đề ngoài tình yêu và như bạn thấy, 3 cuốn sách viết về trẻ tự kỷ đã được xuất bản song ngữ và phát hành toàn cầu.
Phóng viên: Thông điệp của tác giả là gì?
Nhà văn/Dịch giả Khánh Phương: Tôi đã gặp gỡ và trò chuyện với nhiều người có con em tự kỷ, nghe họ kể về những thử thách và niềm vui. Những câu chuyện ấy, dù đượm buồn, nhưng luôn chứa đựng sự lạc quan và niềm tin mãnh liệt vào tương lai. Tôi nhận ra rằng, dù cuộc sống đầy gian nan và thách thức, nhưng cũng chứa chan sức mạnh niềm tin mà những con người ở đây đang ngày đêm đối mặt và tìm cách vượt qua ngoạn mục.
Những cuốn sách này ra đời với mục đích góp phần thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về trẻ em có nhu cầu đặc biệt, nhất là những em mắc các chứng tự kỷ nặng hay các rối loạn tâm thần khác. Thông qua những câu chuyện phi hư cấu mà tôi tiếp cận, tôi muốn nhấn mạnh rằng, các em nhỏ này không chỉ là “bệnh nhân” cần được yêu thương, chăm sóc, mà hơn hết, các em là những viên kim cương cần được mài giũa để tỏa sáng long lanh.
Hy vọng thông qua những cuốn sách này, nhận thức của cộng đồng về giáo dục đặc biệt có thể được dịch chuyển theo hướng tích cực, từ đó thúc đẩy sự chấp nhận, tôn trọng và hỗ trợ những trẻ đặc biệt để các em phát huy hết tài năng trở thành người có ích cho xã hội. Qua đây, tác giả mong muốn góp phần xây dựng một xã hội công bằng hơn, nơi mỗi cá nhân dù khác biệt, đều được trân trọng và có cơ hội phát triển tối đa tiềm năng của mình.
Tôi tha thiết mời bạn đọc cùng tham gia vào cuộc trò chuyện, tạo ra một không gian an toàn cho mọi người chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và hỗ trợ lẫn nhau. Tôi muốn thông qua cuốn sách này, không chỉ là sáng tạo trong lĩnh vực văn chương mà còn đóng góp vào việc xây dựng một xã hội bao dung, thông cảm và “thương người như thể thương thân”.
Phóng viên: Để viết được sách về tự kỷ không phải là dễ, hẳn là tác giả cũng đã rất vất vả trong hành trình tìm tòi, nghiên cứu cũng như tìm ra cách để xuất bản những cuốn sách này?
Nhà văn/Dịch giả Khánh Phương: Ngay cả khi hành trình viết cuốn sách này chưa khép lại, tôi đã nhận ra rằng mỗi chữ, mỗi trang, không chỉ là những suy nghĩ và cảm xúc của riêng tôi, mà còn là kết quả của sự hỗ trợ, động viên và tình thương từ rất nhiều người.
Trước hết, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Thầy thuốc ưu tú (TTƯT), Dược sĩ Chuyên khoa II Trần Tựu – nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty dược Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm SAVI đã chia sẻ lòng trắc ẩn và tài trợ in ấn cuốn sách này. Tác giả đặc biệt tri ân những khoảnh khắc đẹp mà TS. Phan Quốc Việt, Lương y Trần Văn Hảo, Lương y Vũ Văn Chức, Lương y Lưu Anh Chức, nhà văn Kiều Bích Hậu, nhà báo Kiều Bích Thủy, dịch giả Trần Quỳnh Hoa và KLG Nguyễn Khắc Hưng đã mang đến! Tôi cũng muốn cảm ơn gia đình, bạn bè đã nhìn tôi với ánh mắt bao dung, chấp nhận sự xấu xí về mặt ngoại hình những đêm mất ngủ vì viết sách.
Tôi viết những cuốn sách này giữa những ngày giá lạnh mà tim vô cùng rực lửa, cảm nhận được một sự thân thương, gần gũi và ấm áp không thể diễn tả. Dù bên ngoài trời có thể lạnh giá, nhưng trong lòng tôi, mỗi cuộc gặp gỡ lại như ngọn lửa nhỏ hồng ấm, làm tan chảy mọi sự giá lạnh và mang lại một nguồn cảm hứng rực rỡ. Trong những ngày đông giá buốt, ngồi bên khung cửa sổ, bàn tay lạnh lẽo gõ lên bàn phím, nhưng trái tim tôi lại ấm áp hơn bao giờ hết với những dòng chữ chứa đựng tình cảm và sự ngưỡng mộ dành cho những nhân vật trong cuốn sách. Mỗi phần, mỗi đoạn văn không chỉ là sự miêu tả về hành trình của họ, mà là sức mạnh tinh thần, lòng kiên trì và niềm tin sắt son.
Cuối cùng, tôi xin cảm ơn tất cả những ai đã đồng hành cùng tôi trong hành trình đã, đang và sắp tới, dù là nhỏ nhất. Mỗi lời khuyên, mỗi lời động viên, thậm chí là những thách thức, đều là phần quan trọng không thể thiếu trong quá trình sáng tạo. Những cuốn sách này không chỉ là kết quả của công việc và đam mê, mà còn là biểu hiện của sự hợp nhất, tình yêu và sự hỗ trợ từ tất cả. Trong khả năng hạn chế của bản thân, tôi biết mình chưa thể lột tả hết những giá trị thực của những nhân vật sống động ngoài đời thực ấy. Đó là những giá trị của sự đồng cảm, tình yêu thương và tầm quan trọng của việc hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng. Tuy nhiên, tôi mong đọc giả rộng lượng “gạn đục khơi trong” để tìm ra ý nghĩa sâu xa về thông điệp mà tôi muốn truyền tải. Ở một chừng mực nào đó, nếu giúp được cho ai đó một chút an yên sau khi đọc những cuốn sách này, thì đó cũng là một hạnh phúc của riêng tôi, vậy là đủ cho tôi động lực để biết đâu sau này còn có cơ duyên viết tiếp về chủ đề này.
Phóng viên: Xin cảm ơn tác giả đã chia sẻ!
Những sách đã xuất bản của nhà văn/dịch giả Khánh Phương
Tác phẩm in riêng
5 truyện ngắn/tản văn
6 truyện ký
14 sách dịch Việt – Anh
20 sách dịch Anh – Việt
Tác phẩm in chung:
Ngũ sắc ánh sáng
Nắng gọi ban mai
Tuyển tập Hy Lạp