Tiểu Mai
Thưởng thức “Thơ lẻ” của Đặng Nguyệt Anh, độc giả như được dắt vào thế giới nội tâm của một nữ sĩ “không tuổi”!
Mê mệt thứ lục bát “nhà quê”
Con đường thi ca của Đặng Nguyệt Anh không quá ấn tượng, nhưng chị sở hữu tài sản giá trị hơn cả những giải thưởng, đó là một trái tim nồng ấm bay bổng giữa bụi bặm nhân gian, theo nhận định của Lê Thiếu Nhơn.
Sở trường của Đặng Nguyệt Anh chính là lục bát, nhưng lại phiêu lưu như là thể thơ tự do. Chẳng thế mà chị rất khiêm tốn khi tự nhận xét về tác phẩm của mình: “Rằng tôi lục bát nhà quê/ Ai chia sẻ, ai cười chê cũng đành”.
Vậy mà độc giả vẫn mê mệt thứ lục bát “nhà quê” của chị: “Gửi đi một chút heo may/ Để bên ấy, biết bên này thu sang…/ Cho em đỏ chút lá bàng/ Cho em xanh chút mơ màng… trời xanh/ Cho em chia nỗi buồn anh/ Để con nhện cứ buông mành giăng tơ!…”
Sự khác biệt ở đây là tác giả đã nỗ lực đưa vào thơ lục bát những nhịp ngắt để tạo ra quãng nghỉ duyên dáng.
“Thơ lẻ” của Đặng Nguyệt Anh ra mắt năm 2022, sau 2 lần chị bị nhiễm Covid-19 ở tuổi 73. Tập thơ thêm một lần nữa khẳng định sự tái sinh, khát khao được sống còn mạnh mẽ hơn cả sự khắc nghiệt của thời gian và sự tàn ác của dịch bệnh.
Nữ tính, dịu dàng, đằm thắm. Thơ Đặng Nguyệt Anh thực sự là một món quà để thưởng lãm: “Xin lỗi sông/ Tôi trễ một chuyến tàu/ Về tới nơi/ Sông đã ngủ/ Tôi bồng bềnh trôi/ Thơ ấu gọi về quá khứ…”
“Gió ơi à gió/ Lang thang khắp trời/ Nhờ mang hương tóc/ Tới người xa xôi/ Gió à gió ơi!”
“Chẳng lẽ đời mỏng manh/ Như ngọn gió vô hình/ Lang thang những đỉnh trời góa bụa/ Du mục bốn nghìn năm/ Không tìm được nơi cư trú…”
Ngôn từ là phép màu
“Thơ lẻ” của Đặng Nguyệt Anh có nhiều tác phẩm mà nữ thi sĩ bị rung động bởi nhiều loài hoa: “Thạch thảo vườn ai tím ngắt chiều/ Lòng trời đã mở lối thương yêu/ Ngẩn ngơ/ Thương nhớ ngàn năm cũ/ Gió đã nâng niu/ Một cánh diều…
Điều này không có gì đặc biệt, bởi đề tài về các loài hoa đã quá quen thuộc trong thi ca. Nhưng hoa thạch thảo, hoa ngâu, hoa bạch mẫu đơn,… của Đặng Nguyệt Anh lạ lắm! Cảm giác mỗi loài hoa là một sắc thái cảm xúc trong tâm hồn nhạy cảm, luôn tươi mới và luôn khát khao của chị.
Có vẻ như hoa, với vẻ đẹp giản dị, hương thơm đáng nhớ và màu sắc rực rỡ, là nguồn cảm hứng dồi dào cho bộ óc sáng tạo của Đặng Nguyệt Anh.
Đôi khi, không cần một câu từ cao siêu nào, mà ý tứ của tác giả cũng có thể thay đổi toàn bộ nhịp điệu và ý nghĩa của chính bài thơ. Thơ Đặng Nguyệt Anh buộc người ta phải cân nhắc, xét lại từng đoạn, chứ không thể đọc lướt. Trong thơ Đặng Nguyệt Anh, ngôn từ là phép màu, là tâm trạng, là chiều sâu. Tất cả những điều đó khiến người đọc khâm phục cách xử lý cấu trúc câu tinh tế của chị.
“Những nhánh bâng khuâng nở tím chiều/ Một đời/ Hoa chỉ biết yêu thương/ Hỏi bao nhiêu tuổi/ Em chẳng nói/ Cứ nở/ Cho chiều bớt hắt hiu!…”
Có những lúc, thơ Đặng Nguyệt Anh vu vơ, thảnh thơi như viết nhật ký, nhưng vẫn có nhịp điệu, vần điệu. “Những câu thơ tự do mang vần lục bát chảy trôi trong vô thức”, theo nhận định của TS. Hoàng Thị Thu Thủy: “Một chiều/ Ghé bến thong dong/ Đợi người/ Hẹn đã trăm năm/ Chưa về/ Người còn hành khất/ Sông mê/ Ta về thiền/ Giữa bộn bề/ Tương tư…”
Không bị gò bó bởi bất kỳ niêm luật nào, nhịp điệu tự do trong thơ Đặng Nguyệt Anh khiến người đọc thích thú và thỏa sức tưởng tượng khung cảnh trải rộng trong tâm trí.
Với 99 tác phẩm trong “Thơ lẻ”, Đặng Nguyệt Anh đã tô đậm phong cách trên con đường thi ca đặc biệt. Đích đến của chị không phải là hào quang, mà là đám đông của riêng mình: “Mải mê thơ phú, thành thơ thẩn/ Nặng gánh văn chương, nhẹ bước trần/ Bạc tiền, danh lợi đều không hám/ Suốt đời thanh thản tích nghĩa nhân”.
GIPHY App Key not set. Please check settings