Khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra, tôi chỉ tự hỏi, rằng văn minh nhân loại tiến lên được bao nhiêu, khi mà tới những năm hai ngàn hai mươi mấy này rồi, con người vẫn dùng đến bom đạn để tàn sát lẫn nhau, chỉ vì những tranh giành, xung đột? Trên quan điểm của riêng mình, tôi cho rằng, bất kể anh viện ra lý do gì, nhân danh ai hay điều gì, mà dùng đến súng đạn, bom mình, gây chết chóc, đổ máu, nhất là khiến những đứa trẻ vô tội phải lìa đời hoặc ly tán, chịu đựng thương tật, đau đớn cả thể xác và tinh thần từ hệ lụy chiến tranh, thì anh đang đứng ở phía cái ác.
Chúng ta có ngôn ngữ, có trình độ tri thức, có khoa học công nghệ tiên tiến, có văn học nghệ thuật,… đủ để chúng ta sống tiện nghi hơn, thăng hoa hơn, vậy thì tại sao không sử dụng trí thông minh của chúng ta, văn học nghệ thuật của ta như vũ khí mềm để giải quyết những vấn đề của từng gia đình, của các cộng đồng, của các quốc gia với nhau, và của cả nhân loại? Trình độ sống của chúng ta, chất lượng sống của chúng ta được nâng lên bao nhiêu? Hay là nền khoa học xã hội của loài người lại thụt lùi trong lúc khoa học công nghệ tiến lên vùn vụt? Chúng ta mãi khó khăn trong việc sống cùng nhau, và mối quan hệ giữa người với người mãi vẫn là gánh nặng?
Hè năm 2023, tôi đến Budapest để dự một sự kiện văn học. Trong một buổi chiều, khi tôi cùng một bạn thơ người Hungary đi ngang phố Váli, phía góc trung tâm thể dục thể thao József Attila, thì chợt nghe tiếng hát trong trẻo nhưng buồn của một cô gái đứng nơi góc phố gần bức tường trung tâm. Cô gái nhỏ dáng mảnh mai, mái tóc vàng nhạt buông lơi, tay ôm cây ghi-ta hát những bản nhạc tình buồn. Tiếng hát lay động tận sâu thẳm lòng người nên chúng tôi quyết định ngồi lại chiếc ghế dài gần đó để thưởng thức giọng hát của cô gái hát rong trẻ tuổi. Nghe đến bài hát thứ hai, thì bạn thơ người Hungary bảo tôi, có lẽ cô gái là người Slovenia. Nhưng sau đó anh ấy đứng lên, rút ví ra tờ hai trăm forint tiền Hung, trao tận tay cô gái, bảo cô cất đi chứ không thả tiền vào vỏ đàn đặt trước mặt cô như những khách qua đường khác. Họ thường bỏ những đồng xu vào vỏ đàn của cô, nhìn cô một thoáng rồi đi. Anh nhà thơ hỏi quê quán của cô, thì cô cho biết cô đến từ Ukraine. Khi nghe điều ấy, nỗi niềm sâu thẳm trong tôi trỗi dậy, tôi hình dung cảnh ly tán bởi chiến tranh, cô gái này buộc phải rời ngôi nhà yên ấm mà cô sinh ra và lớn lên, buộc phải rời xa đất nước, người thân và lưu lạc tới đây, đứng nơi góc phố cất lên giọng ca đầy tổn thương của mình… Anh nhà thơ Hungary hỏi cô có cần trợ giúp gì không, thì cô gái nhỏ Ukraine chỉ cảm ơn và lắc đầu, tay chỉnh nút dây đàn, mắt nhìn tránh đi nơi khác, có lẽ cô không muốn người khác khơi vào nỗi tủi thân của mình. Nỗi nghẹn ngào dâng lên khiến cả buổi chiều ấy của tôi trở nên nặng nề, cho đến buổi tối, khi kết thúc công việc, ngồi với bạn thơ trong quán bia, trò chuyện về cô gái ấy, tôi đã trào nước mắt! Tôi bất lực bởi nỗi mình chẳng làm được gì để thay đổi điều này. Những hình ảnh Ukraine nhức nhối hiển hiện trong tôi: đứa trẻ ngồi trên giường bệnh viện dã chiến, máu me, bụi bặm và nước mắt giàn giụa, cô gái Ukraine cất tiếng hát thở than về thế giới, về mất mát, những vết thương ấy mãi mãi chẳng lành…
Khi tôi trở về Hà Nội, về lại quê hương mình, công việc bận rộn cuốn tôi đi, tôi cũng dần quên việc mình từng bật khóc ở Budapest vì cô gái nhỏ Ukraine, vì tiếng hát tha hương ai oán cất lên trong ánh nắng chiều tà. Cho đến khi một việc đến tay, tôi được phân công theo dõi chương trình “Podcast của tôi – Chuyện của tôi” – một dự án hợp tác của công ty CP Dược phẩm SaVipharm với Kênh Việt Happiness Station tại châu Âu, có trụ sở ở vương quốc Bỉ. Lúc này, tôi cần biết rõ nội dung các tác phẩm dự thi của những thiếu niên Việt kiều gửi đến dự án. Có một Podcast nhan đề “Tìm lại nụ cười ở Kyiv” khiến tôi chú ý. Tác giả Việt kiều 14 tuổi, tên Bùi Bạch Diệp Daria, từng sinh ra ở thủ đô Kyiv của Ukraine. Tác giả kể về hành trình mà cô bé và em Sofia của mình cùng gia đình buộc phải rời Kyiv đến nước Anh sinh sống, do chiến tranh. Một giọng Việt non nớt, không tròn âm do cô bé sinh ra ở nước ngoài, nhưng lại vô cùng truyền cảm ở sự chân thành, ở từ ngữ cô bé chọn lựa và nội dung chân thực. Những tình cảm tiếc nuối, những trải nghiệm mất mát và nhớ nhung khi phải rời xa nơi yêu dấu của mình, với những người thân thuộc gắn bó nơi hàng xóm láng giềng, nơi trường học đầy kỉ niệm, thật buồn và cảm động. Nhưng rồi chị em Daria tìm lại được nụ cười khi mẹ hai cô bé đưa các em về thăm lại Kyiv, gặp lại hàng xóm, bạn thân, cô giáo dạy nhạc. Một lần nữa tôi lại trào nước mắt trước cảnh Daria gặp lại Polina, cô bạn học thân nhất người Ukraine. Biết tin Daria về thăm lại Kyiv, Polina đã bỏ cả tiết học ở trường để đến gặp Daria. Khi hai đứa trẻ gắn bó thân thiết gặp được nhau sau bao ngày xa cách, các em ôm nhau cười mà tôi lại trào nước mắt! Tôi tự hỏi, liệu các nhà lãnh đạo cao cấp của các quốc gia, những người ra quyết định cho sự an nguy của thế giới này, động chạm đến đời sống của biết bao người, có nghe được giọng nói của Daria, có thấy được nụ cười của Polina? Và khi ấy, họ có thay đổi hay không? Họ sẽ hành động ra sao?
Những chấn thương tinh thần mà các cuộc chiến tranh, xung đột gây ra, mãi mãi sẽ chẳng thể chữa lành, nếu từng người trong chúng ta không lắng nghe trẻ em, không dành thời gian để chung tay hành động chữa lành thế giới, thay đổi chính mình. Và tôi thầm biết ơn việc SaVipharm đã nghe được tâm nguyện ấy, để đồng hành với Kênh Việt Happiness Station, lắng nghe tiếng trẻ em Việt ở nước ngoài, dẫu là những tiếng nói nhỏ nhoi, để sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của các em, thấu hiểu những tổn thương tâm lý, xoa dịu và chữa lành, đôi khi chỉ bằng cách lắng nghe…
GIPHY App Key not set. Please check settings