in

Tính nhân văn trong tác phẩm của Taras Shevchenko và Nguyễn Du

Nguyễn Xuân Hòa

Thông thường khi nói đến một nhà thơ lớn, một nghệ sĩ lớn là nói đến một trái tim lớn biết đập cùng nhịp với thời đại, biết đau cùng với nỗi đau của đất nước, của đồng bào và nhân loại, biết rộn ràng reo ca khi đất nước nở hoa. Thi hào Taras Shevchenko (1814 – 1861) của Ukraina và thi hào của dân tộc Việt Nam Nguyễn Du (1765 – 1820) là những nhà thơ như thế.

Thời đại Shevchenko sống là thời đại của chế độ quân chủ chuyên chế Nga hoàng nửa đầu thế kỷ 19 với chế độ nông nô hà khắc mà chính nhà thơ cũng là một nạn nhân. Nhà thơ đã chứng kiến những cảnh đời bất công đầy rẫy trong xã hội của đế chế Nga nên từ trong dòng sữa của người mẹ nông nô nhà thơ đã dần dần lớn lên trong không khí cách mạng phản kháng chế độ chuyên chế, đòi xóa bỏ chế độ nông nô.

Thời đại Nguyễn Du sống cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 là thời đại mục nát của chế độ phong kiến, một thời đại đau khổ nhưng vô cùng oanh liệt bởi nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nối tiếp nhau, điển hình là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã lật đổ chế độ vua quan, đánh bại hơn 20 vạn quân nhà Thanh xâm lược, nhưng xã hội Việt Nam lúc bấy giờ vẫn không thoát khỏi chế độ phong kiến mà người dân vẫn là tầng lớp chịu nhiều đau khổ nhất.

Hai nhà thơ ở hai đất nước xa nhau về địa lý, nhưng hai trái tim lớn của họ đều đập cùng nhịp với muôn triệu trái tim của nhân dân cần lao. Bằng cách khác nhau hai nhà thơ đã có cùng một hướng đi: đến với dân, sống vì dân và làm thơ vì hạnh phúc của nhân dân.

Gắn bó với những người cùng khổ của thời đại, Taras Shevchenko đã thay mặt họ nói lên tiếng thét căm phẫn đối với chế độ nông nô tàn bạo coi mạng người nông dân như dê, chó, ngựa, trâu, đồng thời nhà thơ cũng nói lên niềm mơ ước của người dân lao động trong nhiều thi phẩm của mình. Giãi bày tâm sự cùng Nàng Thơ, Shevchenko khuyên Nàng Thơ của mình hãy đi đến sân sau, đến với những con người nghèo khó: Đến nơi ấy/ Anh tìm thấy trái tim người bạn/ Trái tim chân thành, chất phác/ Đến nơi ấy/ Anh sẽ tìm ra sự thật.

Đối với Shevchenko, người dân là cốt lõi của thành quả lao động của đất nước Ukraina tươi đẹp: Đâu có làng có dân/ Là vinh quang dội khắp.

Nhà thơ Nguyễn Du là nhà thơ của thời đại, ông sống cùng thời đại với trái tim lớn nên hiểu cặn kẽ nỗi đau khổ, cảnh đời bất công của người dân, và ông đã thay mặt họ bày tỏ nỗi lòng:

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

Với lời bộc bạch như nuốt nước mắt vào trong, Nguyễn Du được coi là người phát ngôn một phần những nỗi thống khổ, bất công của những người dân bị đày đọa dưới chế độ phong kiến Việt Nam cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.

Hai cảnh đời, một nỗi đau nhân tình

Taras Shevchenko xuất thân là nông nô. Thuở nhỏ, Taras đã từng là “gia nô hầu phòng” ở nhà chúa đất, đã nếm trải thân phận của những kẻ chịu lặng câm muôn thuở sống cảnh nô lệ tôi đòi. Trong suốt 47 năm sống dưới chế độ hà khắc của nước Nga chuyên chế thì 24 năm đầu của cuộc đời Taras đã phải cam chịu thân phận nô lệ bị ràng buộc trong tay tên chúa đất Pavel Enghengardt. Nhiều năm sống cảnh tôi đòi bị đọa đày, nhân phẩm bị xúc phạm, Shevchenko ý thức rất rõ về giá trị con người, điều quý giá đầu tiên của loài người khi sinh ra trên thế gian này.

Hơn ai hết, Shevchenko coi mình như một thành viên trong cộng đồng, gắn bó máu thịt với những con người xung quanh mình chịu cảnh tôi đòi nhưng rất đỗi gần gũi với nhau. Trong nhiều thi phẩm của mình, Taras Shevchenko đã đề cao giá trị con người đang bị đọa đày trong xã hội của Đế chế Nga nửa đầu thế kỷ 19. Trong bài thơ Giấc mơ (1858), với niềm cảm thông vô bờ với cuộc đời của những con người cùng cảnh ngộ, Shevchenko đã thay mặt họ mơ về một giấc mơ đẹp khi giá trị con người được tôn trọng, cảnh nô lệ được giải thoát khi trở lại làm người tự do. Cảnh thống khổ dai dẳng của những người phụ nữ nông nô vẫn không làm tắt đi ước mơ bình dị bé nhỏ của họ: 

Làm lao dịch, gặt lúa mì cho chủ

Mệt rã rời chị đâu dám ngơi tay 

Thất thểu bước chị gom từng lượm lúa

Thở đứt hơi… con khát sữa, khóc hoài… 

Chị mơ thấy thằng Ivan của chị

Thoát kiếp tôi đòi, giàu có đẹp trai

Cưới cô gái tự do thôi kiếp đời nô lệ

Gặt lúa ruộng mình, cùng ghé sức chung vai. 

Thời thơ ấu, Shevchenko đã sống dưới mái nhà cũ kỹ ngả màu bạc thếch, mái nhà màu xạm mốc và ống khói xây gạch ám khói đen kịt. Cả gia đình Shevchenko dạo ấy là “sở hữu” của tên chúa đất Enghengác, nguyên là thống đốc Smolensk. Cuộc sống của người nông dân nông nô trăm bề cơ cực, nhục nhã, điều mà Shevchenko đã từng nếm trải, và hàng ngày hàng giờ Shevchenko luôn cảm thấy thân phận mình và những người thân chỉ là những thân phận bé nhỏ bị trói buộc trong bàn tay sắt nghiệt ngã của bọn chúa đất. Chính vì vậy không ai có thể miêu tả cuộc đời bị đè nén ấy với sức mạnh và chiều sâu như sau này chính bản thân Shevchenko miêu tả. Thuở nhỏ, khi còn là một cậu bé, Taras chưa ý thức hoàn toàn thân phận nô lệ nên đôi lúc cậu cảm thấy như mình được tự do. Đó là những giây phút đùa vui bên người bạn gái Ocsana chăn cừu mới lên chín tuổi. Sau này khi nhớ lại những lúc nghỉ ngơi ngoài bãi thả chăn cừu, tuy dãi dầu nắng gió, nhưng đôi bạn trẻ vẫn thường ngồi bên nhau bện những vòng hoa đồng nội và hát những bài hát yêu thích. Ôi, con người khi được tự do sao mà sung sướng thế! Sau này khi đã trở thành nhà thơ hiểu rõ cuộc đời, Shevchenko đã ghi lại trong thơ những ngày tháng đẹp đẽ của tuổi thơ: 

Lại rạng rỡ mặt trời cao 

Dường như vườn cây hoa lá 

Cánh đồng kia, rừng sồi kia

Thảy đều của ta tất cả! 

Rồi hai đứa lại đùa vui

Lại cười vang trên bãi thả

Cùng theo sau đàn cừu non

Lùa xuống đầm kia uống nước… 

Nhưng những gì gọi là tươi sáng đẹp đẽ xứng với giá trị con người còn đọng lại quá ít ỏi trong ký ức Taras về những năm tháng ấu thơ này: 

Ta đâu gọi nhà xiêu vách nát

Ở rìa thôn là nơi cực lạc

Ở nơi ấy cuộc sống mẹ cho ta

Nằm trên nôi nghe tiếng mẹ hời ru

Mượn câu hát mẹ trút niềm đau xót

Cho hòn máu mẹ hằng chăm chút… 

Sao mẹ vội bỏ con về chín suối

Khi mái đầu của mẹ còn xanh…

Không chỉ nhà thơ thực sự “đau lòng” với nỗi đau nhân tình khi chứng kiến cảnh đời bất công của đồng loại, trong đó có cả chính mình, mà cả người đọc đều quặn đau trước “những điều trông thấy” đó. Chính vì vậy, để bảo vệ giá trị con người đúng với nghĩa của nó, Taras Shevchenko không nguôi nghĩ tới một giấc mơ đòi giải phóng thoát kiếp đời nô lệ. Nhà thơ đã hiến dâng những dòng thơ tâm huyết nhất cho tầng lớp nhân dân đông đảo – những người nông nô bị đọa đày, trong đó có cả chính mình và gia đình mình:  

Tôi sống lại hôm nay vì họ

Vì những người bị xiềng xích của tôi

Những kiếp người bất hạnh tôi đòi

Tôi ngợi ca những con người bé nhỏ

Những nô lệ chịu lặng câm muôn thuở 

Nguyện một lòng vì họ có tôi

Đứng canh cho quyền được sống làm người.

Khác với Shevchenko, Nguyễn Du sinh ra trong một gia đình một vị tể tướng có nhiều người giữ chức trọng quyền cao dưới triều Lê. Cuối thế kỷ 18, Nguyễn Du ra làm quan khi vua Lê chỉ là một cái bóng mờ nhạt trong bộ máy cai trị phong kiến thời Lê mạt. Nguyễn Du đã tận mắt chứng kiến đời sống xa hoa trụy lạc của giai cấp thống trị, điển hình là chúa Trịnh thâu tóm mọi quyền bính trong tay. Trong xã hội, người dân phải sống cảnh điêu linh, loạn lạc. Thảm họa Trịnh – Nguyễn phân tranh ở hai miền càng đẩy đất nước vào cảnh chiến tranh liên miên, người dân vẫn là người chịu nhiều đau khổ nhất. Tất cả những cảnh đời sang hèn trái ngược nhau đập vào mắt nhà thơ, gây xúc động mạnh đến tâm hồn Nguyễn Du vốn nhạy cảm và giàu lòng nhân ái dù giữa ông và quần chúng có một sự cách biệt. Nhưng “không giống nhau” mà vẫn cứ “thương nhau”, điều đó mới thực là quan trọng; nó sẽ trở thành một nhận thức tích cực, một phương châm sống, và phản ánh vào trong sáng tác nghệ thuật, nó sẽ tạo nên phần chủ yếu của tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du, quán xuyến từ Truyện Kiều đến thơ chữ Hán, Văn chiêu hồn [2; 233]. Thương nhau không cứ ở chỗ giống nhau, như cách nhìn nhận của Nguyễn Huệ Chi về Nguyễn Du, đã khẳng định ở đây một điều, khi sinh ra Nguyễn Du vốn đã thiện tâm như tất cả mọi người, nhưng Nguyễn Du đã lưu giữ được trong con người mình cái thiện tâm đó đến cuối đời, kể cả khi ông là một ông quan nhà Nguyễn cách biệt với quần chúng nhân dân. Trái tim lớn của một nhà thơ và cũng là của một nghệ sĩ luôn luôn tiếp dòng máu nóng cho những lời thơ tha thiết xuất phát từ thiện tâm của một nhà thơ biết yêu, ghét hợp lẽ đời. Nguyễn Du là một nhà thơ như thế. Truyện Kiều là một minh chứng sinh động cho tấm lòng nhân ái của Nguyễn Du trước số phận đau khổ của bao kiếp người, điển hình là nhân vật Thúy Kiều. Có thể nói, toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Du (trong đó có Truyện Kiều) bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm đã toát ra một tinh thần nhân đạo sâu sắc. Con người với giá trị đích thực của nó được Nguyễn Du nói lên với sự trân trọng và với tấm lòng nhân ái. Dưới con mắt Nguyễn Du con người là của báu của cuộc đời, ông đau xé lòng khi phải chứng kiến cảnh ngộ thương tâm của con người cùng khổ, đau nỗi đau nhân tình trước cảnh đời giàu sang phú quý đối lập với cảnh nghèo khổ bị đọa đày. Khi đi sứ Trung Quốc, dù ở địa vị cách biệt với quần chúng lao khổ, tấm lòng nhân ái ở Nguyễn Du đã khiến ngòi bút của ông không thể kìm giữ những câu chữ xuất phát từ con tim nhạy cảm trong bài thơ chữ Hán Thái bình mại ca giả. Đó là cảnh bi ai, ảo não của một ông già mù đi hát rong ở châu Thái Bình, Quảng Tây (Trung Quốc). Một hôm đi chơi thuyền Nguyễn Du chứng kiến thuyền bên cạnh gọi một ông già mù xuống hát. Trên sông gió thổi vi vu, trăng soi vằng vặc. Mọi người lắng nghe tiếng ông già vừa đàn vừa hát. Nguyễn Du không rời mắt khỏi ông già mù: 

Miệng sùi bọt mép, tay mỏi rã rời;

Ông già ngồi xuống, xếp đàn, ngỏ lời đàn hát đã xong

Đứa bé đã dẫn ông ra khỏi thuyền

Ông còn quay lại ngỏ lời chúc tụng.

Đàn hát mệt nhọc rã rời mà chỉ được năm sáu đồng tiền, nhưng ông già vẫn không ngớt lời cảm tạ, âu đây cũng là thói quen cố hữu của những kẻ nghèo khó bé nhỏ. Nguyễn Du đã ghi lại hình ảnh đáng thương này trong bài thơ chữ Hán Thái bình mại ca giả với cảnh đời đối lập được miêu tả tiếp sau đó: 

Kìa chẳng thấy lệ cung thuyền sứ

Thuyền đầy cơm thuyền ứ thịt nem

Người no no dạ, đã thèm

Cơm canh thừa mứa đổ chìm đáy sông.

Thân phận mỗi con người, khi được chứng kiến, Nguyễn Du không thể không cầm bút ghi lại với cách nhìn con người phải được bảo vệ giá trị của nó – quyền được làm người đứng trên thế gian này.

Truyện Kiều, tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Du, là tác phẩm lấy con người làm đề tài trung tâm, nâng nó lên thành vấn đề xã hội. Đọc Truyện Kiều, chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn giá trị của con người, càng hiểu rõ hơn con người là cái quý giá nhất trên đời cần được trân trọng, bảo vệ. Có thể nói, qua Truyện Kiều, Nguyễn Du đã thay mặt tất cả chúng ta hôm nay nói rằng, giá trị con người ở thời đại ông sống đang bị xúc phạm, và như thế Nguyễn Du đã gián tiếp nêu lên vấn đề cần phải bảo vệ giá trị con người như nó vốn có. Với hạn chế về mặt lịch sử và bởi cái nhìn định mệnh, chúng ta cảm ơn nhà thơ ở tấm lòng nhân ái cao cả, đau xót vì số phận bị đọa đày của bao kiếp người lầm than mà qua lời thơ thống thiết trong Truyện Kiều, chúng ta hiểu tác giả của nó là một nhà thơ có trái tim lớn, trong thâm tâm luôn chân thành lên tiếng bảo vệ phẩm giá của con người. Phải thông cảm sâu sắc với số phận con người, Nguyễn Du mới đúc kết được một triết lý “trong thế gian này xưa nay những người có tài thường hay bạc mệnh” mà lẽ ra con người đó với tài năng của mình phải được may mắn, sung sướng. Quan tâm đến số phận của con người, điển hình là số phận của nàng Kiều, là mạch thơ không bao giờ cạn trong Truyện Kiều cũng như trong nhiều tác phẩm khác của Nguyễn Du. Cũng chính vì tôn trọng giá trị con người nên Nguyễn Du đã ca ngợi tài, sắc của con người – đó là trí tuệ, tài năng, vẻ đẹp, những yếu tố làm nên giá trị con người mà mọi người trong cộng đồng ai cũng mong muốn hướng tới. Sự phát triển toàn diện của con người với trí thông minh và sức sáng tạo của nó là điều mà Nguyễn Du hằng mong mỏi. Tinh thần nhân đạo toát lên trong Truyện Kiều cũng chính từ những lời thơ tha thiết của một trái tim lớn biết yêu quý giá trị đích thực của con người.

Càng yêu người càng chăm lo cho hạnh phúc con người

Con người tồn tại như một thực thể trên thế gian trong một xã hội nhất định. Nó phải hoạt động, làm việc, chế ngự thiên nhiên, làm ra của cải vật chất để xây dựng cuộc đời no ấm, hạnh phúc. Như vậy con người phải được phát triển toàn diện trong môi trường tốt đẹp, thiên thời, địa lợi, nhân hòa, người với người đều yêu thương nhau, giúp đỡ cộng tác với nhau. Điều kiện lý tưởng như thế con người phải phấn đấu đạt được để cuộc sống ngày càng sung sướng, hạnh phúc.

Taras Shevchenko là một nhà thơ xuất thân từ nông nô, nhưng từ thuở nhỏ tài năng về hội họa của ông đã có nhiều hứa hẹn. Chính bản thân Shevchenko đã nhận được sự ưu ái của đồng bào mình – những họa sĩ có tên tuổi thời đó đã đứng ra giúp ông vào học ở Viện Hàn lâm Mỹ thuật Saint Petersburg. Nhưng trước hết phải giải thoát Shevchenko khỏi thân phận người nông nô thì tài năng đó mới được phát triển. Họa sĩ danh tiếng Briullov dạy ở Viện Hàn lâm Mỹ thuật và nhà thơ Giukovsky đã bàn cách kiếm đủ số tiền lớn quá sức tưởng tượng thời đó – 2500 rúp – để chuộc tự do cho Shevchenko. Họa sĩ đã vẽ chân dung nhà thơ Zhukovsky để đem bán đấu giá. Nhờ sự giúp đỡ của chính nhà thơ Zhukovsky và bá tước nhạc sĩ Viengorky, bức chân dung đã được đem bán đấu giá trước bàn dân thiên hạ sau buổi hòa nhạc tại nhà bá tước. Các họa sĩ đã thu đủ tiền để chuộc lại tự do cho Shevchenko và thế là Shevchenko được nhận vào Viện Hàn lâm Mỹ thuật Saint Petersburg làm học trò giáo sư họa sĩ Briullov.

Như chim sổ lồng, Shevchenko say mê vẽ tranh, trau dồi cách bố cục tranh vẽ, và đồng thời trong thời kỳ này tài năng thơ của ông như được chắp cánh khi tinh thần đầu óc được giải tỏa. Đó là ngày 22 tháng 4 năm 1838, ngày Shevchenko được trở lại làm người tự do. Nhớ ơn những người đã giúp mình thoát khỏi thân phận nông nô, Shevchenko đã nhanh chóng hoàn thành trường ca Katerina (1838) để nhớ ngày đổi đời, bước lên con đường xây đắp cuộc sống hạnh phúc. Với lời đề tặng nhà thơ Zhukovsky, Shevchenko đã ghi lại ấn tượng mạnh mẽ của cuộc đổi đời, từ thân phận dê, chó, ngựa, trâu được trả lại tự do làm người. Hạnh phúc đơn sơ khó thực hiện đối với người nông nô đối với Shevchenko thật vô cùng quý giá. Nhà thơ đã dồn hết tim óc sáng tạo nên bản trường ca để trả nợ cuộc đời, cũng là để nhớ ơn những con người thiện tâm đã vun đắp hạnh phúc cho mình. Với năm chương gồm 750 câu thơ trong trường ca Katerina, Shevchenko đã sáng tạo nên hình tượng nghệ thuật làm xúc động lòng người. Katerina là một cô gái yếu đuối, cam chịu một cách thụ động số phận bạc bẽo. Dù bị chàng lính trẻ đẹp trai qua làng là tên Sở khanh quyến rũ rồi ruồng bỏ, Katerina vẫn cứ tin rằng số phận mình đã bị cột chặt không thể vùng vẫy được nữa nên nàng chỉ còn cách hạ mình cầu xin một sự che chở mong manh của gã sĩ quan bạc tình. Thậm chí chỉ vì hạnh phúc sau này của đứa con – hòn máu rơi của gã, nàng sẵn sàng cúi mình xin làm gia nô hầu hạ gã, quên cả những đoạn đường dài nuốt nhục đi tìm gã trong khi gã đã quên hẳn nàng là người tình xưa. Cảnh lưu lạc của nàng có cái gì đó giống với số phận nàng Kiều của Nguyễn Du, chỉ có khác là Katerina không bị sa chân vào chốn lầu xanh. Có thể ghi lại đây tóm tắt cốt truyện của trường ca Katerina như sau:

Quá nhẹ dạ và quá yêu chàng lính trẻ qua làng, cô gái nông nô Katerina đã trao thân cho chàng. Việc quân ngũ thôi thúc chàng lên đường. Chàng thề thốt sẽ trở về và chung tình mãi mãi với nàng. Nàng chờ mong hạnh phúc sẽ đến với nàng, nhưng gã lính trẻ phụ tình đã lặn tăm. Không chịu nổi miệng lưỡi thế gian đàm tiếu, nàng nuốt nhục bồng con thơ lên đường, quyết tìm chàng. Thân gái dặm trường, nàng và con đã đặt chân đến kinh thành Moskva. Một hôm hai mẹ con nàng nghỉ chân ven đường ở nhà một người nông dân thì tình cờ có đoàn quân đi qua. Nàng nhận ra người sĩ quan trẻ đi đầu cưỡi ngựa là chàng lính trẻ năm xưa. Nàng lao ra nắm lấy dây cương nhưng gã Sở khanh đã quay đi. Nàng vội chạy như bay về ngôi nhà ven đường bế con ra nhận bố. Nhưng gã sĩ quan đã thúc ngựa như một kẻ chạy trốn. Phẫn chí, nàng nhè nhẹ đặt con bên đường và gieo mình xuống đầm nước tự vẫn. May sao có người nhặt được đứa bé về cưu mang nuôi khôn lớn, sau này theo người hát rong phiêu bạt đó đây. Một hôm có chiếc xe ngựa sang trọng đi qua và dừng lại. Ông chủ ngồi trên xe cùng vợ con chính là gã sĩ quan bạc tình – cha đẻ đứa con bị bỏ rơi. Gã chợt nhận ra diện mạo của chính mình qua thằng bé có đôi lông mày đen– giọt máu rơi của gã. Nhưng cả lần này nữa, trái tim của người cha nhẫn tâm thêm một lần nguội lạnh. Gã đã quay đi như một kẻ trốn chạy…

Qua cốt truyện trên đây Shevchenko đã gắn số phận và hạnh phúc mong manh của cô gái nông nô với hoàn cảnh xã hội đầu thế kỷ 19 ở nước Nga và Ukraina, đưa cuộc đời riêng của nhân vật trở thành điều trăn trở trước hạnh phúc của bao số phận con người. Đây là một cách nhìn tiến bộ mang tính nhân văn sâu sắc, vì con người và hạnh phúc con người. Trong truyện vừa Nàng Liđa bạc phận của Karamdin và trong trường ca Nàng Eđa của Batưnsky, những nhân vật nữ là những con người bị chà đạp lên nhân phẩm, nhưng các tác giả chỉ dừng lại ở sự lên án những hành vi vô đạo đức, bội bạc trong tình yêu. Khác với Nàng Liđa bạc phận và Nàng Eđa, trường ca Katerina của Shevchenko ngoài tính nhân văn của nó còn mang tính xã hội đậm nét: thay vì cam chịu thụ động là thái độ lên án chế độ nông nô hà khắc qua cái chết phẫn chí của cô gái Katerina, yếu tố quan trọng tạo nên mối đồng cảm tự nhiên ở người đọc. Đọc trường ca Katerina, chúng ta vô cùng thương cảm cô gái nông nô khi hạnh phúc của cô và đứa con đã bị cướp đi nhẫn tâm ngoài sức tưởng tượng, bởi trong thâm tâm nàng vẫn tin chàng là chỗ dựa tin cậy của cuộc đời nàng: 

Ôi! Chàng đây rồi, ôi số phận

Nàng ngước nhìn rồi đưa tay dụi mắt:

Đúng rồi! Chính người đầu tiên cưỡi con tuấn mã

Ivan chàng ơi, người em vô vàn yêu quý

Trái tim em, hạnh phúc đời em

Sao bấy lâu chàng biền biệt bặt tin?

Và khi thoáng biết chàng lính trẻ năm xưa phản bội tình yêu, nàng không ngần ngại hạ mình vì hạnh phúc của đứa con: 

Xin chàng đừng hắt hủi bỏ rơi em

Xin chàng nhận em làm gia nô hầu hạ

Và chớ quay lưng chẳng ngó ngàng con 

Chàng cứ yêu đi, một người con gái khác

Em sẽ quên rằng ta đã yêu nhau

Rằng con trai em có chàng là cha đẻ 

Rằng vì chàng em chịu nhục đớn đau

Cả tuổi xuân em chịu điều tai tiếng

Chàng cứ quên em đi, vĩnh viễn

Nhưng đứa con trai, xin chàng chớ bỏ rơi!

Trường ca Katerina là sự khởi đầu cho nhiều thi phẩm sau này của Shevchenko mang tính xã hội cao hơn, ở đó sự cam chịu với số phận mình và hạnh phúc của mình đã được thay thế bằng thái độ lên án mạnh mẽ chế độ nông nô và bộ máy vua quan áp bức dân lành.

Trong nhiều tác phẩm, Shevchenko đã viết những vần thơ ca ngợi những con người biết hy sinh để bảo vệ hạnh phúc của người mình yêu dấu. Ở Orenburg, Shevchenko đã sáng tác truyện thơ Petrus có lẽ dựa theo truyện kể của những người tù hình sự bị đi đày mà nhà thơ gặp họ trong những năm cuối của cảnh đi đày. Số phận của chàng trai chịu tội thay cho cô gái yêu chàng tha thiết đối với Shevchenko là hiện thực khách quan khiến nhà thơ đã viết nên những lời thơ ca ngợi tình cảm trong sáng cao đẹp của chàng trai: 

Hỡi em gái xinh tươi trong trắng 

Cầu trời cho mẹ em đừng gả bán

Cho người ta đừng mối lái ép duyên

Vì chiếc lon vàng, vì lộng lẫy cung đền 

Em hãy yêu thiết tha chung thủy…

Yêu tha thiết con người Shevchenko luôn cảm thấy lòng mình rạo rực sung sướng khi viết được những lời thơ về giấc mơ những ngày hạnh phúc đẹp đẽ ngày mai: Ơi đất mẹ nở hoa/ Thảo nguyên dài tít tắp/ Lòng rộng mở đất ơi/ Mầm tự do đón nhận!

Và khi người với người yêu nhau thì hạnh phúc đơn sơ sẽ là hạnh phúc lâu bền mà Shevchenko thầm ao ước: 

Anh trồng cây táo nhỏ 

Và nhành lê ngát hương

Bên mái nhà tranh đó

Cho em yêu dịu hiền

Chớ quên lời hẹn ước!

(Khúc thơ họa)

Nguyễn Du là nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, bởi chính Nguyễn Du đã đề cập đến vấn đề muôn thuở là vấn đề con người ở những khía cạnh đời thường nhất được người dân lao động quan tâm đến nhất, vì thế mà trở nên trường tồn nhất: đó là tình yêu và hạnh phúc con người. Yêu người tha thiết nên Nguyễn Du viết ra những vần thơ không phải từ ngòi bút chảy ra mà từ con tim nhạy cảm đầy nhân ái. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du ca ngợi tình yêu Thúy Kiều – Kim Trọng, và mặc dù để nàng Kiều lâm vào cảnh lưu lạc mười lăm năm, ngòi bút Nguyễn Du vẫn luôn bênh vực Thúy Kiều. Dù bị sóng gió cuộc đời vùi dập thậm chí có lúc bị nhấn xuống bùn nhơ, nhưng Thúy Kiều dưới ngòi bút của Nguyễn Du vẫn là con người trong trắng chiếm được cảm tình của người đọc. Miêu tả số phận nàng Kiều một cách chân thực, hợp với lẽ đời, không câu nệ bởi vấn đề trinh tiết của người phụ nữ, Nguyễn Du thực sự đã vì hạnh phúc của con người bị cuộc đời vùi dập như nàng Kiều mà viết nên những câu thơ xúc động đầy thuyết phục bênh vực cho quyền được sống, quyền được yêu và bảo vệ tình yêu của người phụ nữ.  

Lên tiếng phản kháng khi nhân phẩm con người bị chà đạp 

Tiếp nối âm hưởng chống lại chế độ nông nô và bảo vệ hạnh phúc con người ở trường ca Katerina, các thi phẩm sau đó của Shevchenko đã đề cập đến những nỗi thống khổ của nhân dân và người phụ nữ dẫn đến cái chết thảm thương của người đàn bà thường dân như trong Người đàn bà mù (1842), Mụ phù thủy (1847), Công tước tiểu thư (1847), Marina (1847), Maria (1849).

Khác với trường ca Katerina, trong Người đàn bà mù, nhân vật nữ đã trả thù tên chúa đất và sau khi trả được mối hận thù chị đã chết. Qua cái chết của người đàn bà mù, Shevchenko đã lên án chế độ nông nô tàn bạo và lên tiếng kêu gọi đấu tranh. Trong trường ca Những người mới nhập đạo, nhà thơ đã dùng hình ảnh lưỡi rìu của nhân dân để nói chuyện với Nga hoàng: 

Mi sẽ không được chết 

Bởi làn sét thiêng liêng

Như một con chó điên

Mi sẽ bị cắt cổ

Bằng một con dao mẻ 

Hay một lưỡi rìu cùn!

Trường ca Những người mới nhập đạo là lời kêu gọi đấu tranh, kêu gọi nhân dân đứng lên làm cách mạng. Trong trường ca, nhà thơ dùng thủ pháp nghệ thuật mượn câu chuyện cổ La Mã, chuyện tên bạo chúa Neron để mô tả nước Nga nông nô của Nga hoàng, mô tả những kẻ chuyên chế độc tài, những tên chúa đất đè nén nhân dân, vẽ nên một nước Nga “nhà tù của các dân tộc” đang đẩy nhân dân Nga vào cảnh tối tăm: Gia đình nào nước mắt cũng thành sông/ Bởi người thân bị giam cầm ngục tối/ Hay bị đày nơi heo hút xa xăm…

Nhà thơ tin rằng nhân dân sẽ chiến thắng bọn áp bức, bóc lột. Những người cách mạng bị đoạ đày nay đứng vào đội ngũ các chiến sĩ chống lại chế độ chuyên chế sẽ lãnh sứ mạng lịch sử cổ vũ nhân dân vùng lên. Đó là những chiến sĩ phục thù thần thánh – những người Nga đầu tiên rung tiếng chuông tự do được nhân dân yêu mến và kính trọng: Hãy ngợi ca/ Ngợi ca các anh, những tâm hồn tươi trẻ/ Ngợi ca các anh, những hiệp sĩ thánh thần/ Đến muôn đời ngợi ca mãi không thôi…

Trong bài thơ nổi tiếng khác Không nói gở đâu, tôi nào có ốm đau… viết ngày 22/11/1858, Shevchenko đả phá ảo tưởng đặt tất cả hy vọng vào Nga hoàng Aleksandr II. Đối với nhà thơ không có vua hiền: “Vua chúa bao giờ cũng là lũ bạo chúa và chuyên quyền, là kẻ thù của nhân dân lao động”. Trong những năm tháng đầu tiên bị đi đày, Shevchenko đã sáng tạo nên bài thơ trào phúng tuyệt tác Hai ông vua. Trong thi phẩm này “vua Đavít hiền từ” tuôn ra những lời của Nga hoàng Nicolai I và tên trung tướng cảnh sát Đuben được mệnh danh là hai tên độc tài chuyên chế toàn nước Nga. Nhà thơ đưa ra một kết luận có tính quy luật: Để bọn đao phủ trừng phạt những tên đao phủ/ Hai vua Nga – hai kẻ sát nhân!

Thời kỳ sau này (1859-1861), khi nhà thơ đã ý thức sâu sắc trách nhiệm làm người báo hiệu một ngày mới sẽ đến, trong các bài thơ trữ tình, yêu nước của Shevchenko ta thường thấy xuất hịên hình ảnh mặt trời rực rỡ, xua tan đêm dài tăm tối ở nước Nga. Nhà thơ tin rằng sẽ đến ngày: Trên ngai vàng lũ vua quan run rẩy/Chân lý sẽ ca vang trên trái đất này!

Và lúc đó nhân dân và những người nông nô cùng cảnh ngộ với nhà thơ sẽ thức tỉnh: Ngày mai đây trăm họ muôn người/ Sẽ đàng hoàng đứng lên phán xét / Nga hoàng kia đưa lên đoạn đầu đài!

Nhà thơ đã tiên đoán ngày cáo chung của chế độ chuyên chế Nga hoàng và tin chắc lũ vua chúa, công hầu không thể tránh khỏi một kết thúc bi thảm: Gió lên từ đồng nội/ Thổi bay hết bụi lầm/ Đường sạch quang rác rưởi... Cũng trong thời kỳ này tư tưởng của nhà thơ ngày càng kiên định. Shevchenko luôn là người lên tiếng chống lại những ảo vọng về một “Nga hoàng từ thiện” như Ghecxen từng lầm tưởng. Ngay trước lúc bài xã luận của Ghecxen xuất hiện trên tờ Tiếng chuông ngày 25/12/1859, Shevchenko đã kêu gọi: Nói thẳng đi anh, chần chừ chi nữa/ – Những bàn tay nhơ nhớp lũ bay/ Nặn Nga hoàng thành thần tượng từ bi/ Rồi truyền tụng vua là Thượng đế… Nhà thơ đã viết Bức thư từ một tỉnh lẻ, dưới ký bút danh Một người Nga, đăng trên tờ Tiếng chuông ngày 1/3/1860 để trả lời bài xã luận của Ghecxen cố tình tán tụng Nga hoàng. 

Bức thư từ một tỉnh lẻ đã gây một ấn tượng mạnh mẽ trong dư luận xã hội, nhất là trong giới thanh niên. Qua bức thư, mọi người đều nhận thấy tư tưởng kiên định, dứt khoát của những người dân chủ cách mạng và cũng là của Shevchenko mà trong đoạn cuối của bức thư gửi Ghecxen có những lời đanh thép: “Ngài đừng rung Tiếng chuông báo giờ làm lễ mà hãy đổ hồi những tiếng chuông cảnh tỉnh! Hãy kêu gọi nước Nga đứng dậy cầm lấy búa rìu. Ngài hãy nhớ rằng đã hàng trăm năm nay đức tin vào thiên căn của Nga hoàng đã giết chết nước Nga. Xin Ngài chớ làm kẻ nâng đỡ cho niềm tin đó”.

Các nhà dân chủ cách mạng dưới bút danh Một người Nga đã nhân danh nhân dân kêu gọi Ghécxen chớ quá mê muội với Khúc tấu ca đức vua từ bi mà hãy cùng với nhân dân cầm lấy búa rìu. Tư tưởng đó đã được phản ánh trong thơ ca Shevchenko, nhất là thời kỳ mãn hạn đi đày.

Nhưng ở nước Nga Sa hoàng, tác phẩm của nhà thơ đương nhiên là bị cấm xuất bản. Lúc sinh thời chỉ có gần 40 tác phẩm (tức là chỉ khoảng 1/5 toàn bộ sáng tác) của nhà thơ được công bố. Hơn thế nữa, suốt 10 năm bị lưu đày, Shevchenko vẫn bị lệnh nghiệt ngã của Hoàng thượng “cấm viết và vẽ” ràng buộc. Chính vì vậy mà từ những năm 40 tiếp đến những năm 60 của thế kỷ 19, các giới tiến bộ ở Ukraina cũng như ở nước Nga đã không ngừng tiến hành cuộc đấu tranh để truyền bá những bài thơ cách mạng của Shevchenko. Có thể nói, trong suốt những năm 60 thế kỷ 19, bên cạnh những di sản văn học của Trecnưsevsky, Dobroliubov, Gherxen, Ogariov và Nhekrasov, thơ ca của Shevchenko đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành những tư tưởng dân chủ cách mạng, và trong một số tác phẩm, Shevchenko đã sáng tác với tư cách là người hoa tiêu của con tàu đi trong bão táp.

Nguyễn Du là một nhà thơ yêu nước, những nhân vật được Nguyễn Du ca ngợi và kính trọng là những người yêu nước, những người dám đứng lên chống lại sự áp bức của chế độ phong kiến vua quan. Đọc Truyện Kiều, không ai cầm được nước mắt, thương xót nàng Kiều, căm phẫn bọn quan lại tham nhũng và bọn tay sai sâu mọt hại dân, hệ quả của chế độ phong kiến bất công và cũng là nguyên nhân đẩy nàng Kiều lâm vào bước đường lưu lạc mười lăm năm bèo dạt hoa trôi nhục nhã trăm bề. Với Nguyễn Du, một nhà thơ yêu nước thì mỗi cảnh ngộ, mỗi sự đày đọa đối với nàng Kiều đều chứa đựng trong đó thái độ của tác giả: đó là sự phẫn nộ, một lời phản kháng gián tiếp nhằm vào những kẻ gây ra tai họa. Dù nói trực tiếp hay bóng gió, Nguyễn Du luôn lên tiếng bảo vệ nhân phẩm con người, chống lại bất cứ những gì chà đạp lên quyền sống và giá trị con người. Nhưng do hạn chế lịch sử của thực trạng xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 và tư tưởng định mệnh, những lời thơ tâm huyết của Nguyễn Du chưa trở thành những lời kêu gọi quyết liệt chống lại cường quyền và sự áp bức đè nén của giai cấp phong kiến đang nắm quyền. Mặt khác, do nguồn gốc xuất thân và vị thế xã hội là một vị quan của nhà Nguyễn nên Nguyễn Du chỉ dừng lại ở sự giải thích những hiện tượng bất công trong xã hội là Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu!

Taras Shevchenko của Ukraina và Nguyễn Du của Việt Nam đều là những nhà thơ yêu nước, những nhà thơ của nhân dân. Ở Ukraina và nước Nga Shevchenko được mệnh danh là người Ca sĩ của nhân dân. Shevchenko là nhà thơ có nhiều thi phẩm toát lên tinh thần nhân văn sâu sắc. Nhiều bài thơ trữ tình của Shevchenko đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, trong đó có tiếng Việt. Ở Hoa Kỳ, tại quảng trường Dupont Circle ở Thủ đô Washington cách Nhà Trắng không xa (khoảng 2km), giữa bùng binh ngã bảy ngã tám của những phố và đại lộ giao nhau, có một tượng đài toàn thân Shevchenko thời trẻ đã được dựng lên uy nghiêm và trân trọng.

Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc của Việt Nam. Năm 1965, Nguyễn Du được Hội đồng Hòa bình thế giới công nhận là danh nhân văn hóa và chính thức ra quyết định kỷ niệm 200 năm sinh vào năm 1965 cùng với 8 danh nhân văn hóa thế giới. 

Taras Shevchenko và Nguyễn Du là niềm tự hào của hai dân tộc Ukraina và Việt Nam. Những thi phẩm của hai nhà thơ lớn, hai nghệ sĩ lớn sẽ mãi mãi gây xúc động hàng triệu trái tim người đọc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. I.I,Andreeva (1984). Nhà thơ vĩ đại của Ucraina. Tuần báo Văn nghệ, 21/4/1984.

2. Nguyễn Huệ Chi (1971). Tìm hiểu thơ chữ Hán Nguyễn Du // Kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội, 1971, tr.217-248.

3.  Lê Bá Hán – Trần Huyền Sâm (1997). Về khái niệm chủ nghĩa nhân văn. Tạp chí Tác phẩm mới. Hội Nhà văn Việt Nam, số 3 năm 1997, tr.78-81.

4. Nguyễn Xuân Hòa (1984). Thơ Septrenco – tiếng thét căm phẫn của những người nông nô đòi giải phóng. T/c Văn học. Số 1 năm 1984, tr.148-157.

5. Nguyễn Xuân Hòa (1999). Taras Shevtrenco – người ca sĩ nhân dân của Ukraina. TC Nghiên cứu châu Âu. Số 1 năm 1999, tr.24-27.

6. L.Khin-cu-lốp (1984). Ta-rát Sép-tren-cô (Xuân Hòa dịch). Nxb Cầu Vồng, Mát-xcơ-va, 1988, 378 trang.

7. Lê Đình Kỵ (1971). Quan điểm đạo đức – thẩm mỹ của Nguyễn Du (qua nhân vật Thúy Kiều). Trong sách: Kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, 1971, tr.307-334.

8. Ph.Priima (1973). Séptrencô và nền văn học Nga. T/c Văn học trong nhà trường. Số 12 năm 1973, tr.84-88.

9. A.V. Rogoskin – Nguyễn Xuân Hòa (1988). Nhà thơ Ukraina Tarax Septrencô và nền văn học Nga. T/c Nghiên cứu châu Âu. Số 1 năm 1988, tr.14-17.

10. Hoài Thanh (1971). Một trái tim lớn, một nghệ sĩ lớn // Kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, 1971, tr.141-168.

11. Nguyễn Khánh Toàn (1971). Nguyễn Du – nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam // Kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, 1971, tr.28-59.

12. Kỷ yếu Hội nghị Khoa học kỷ niệm 170 năm ngày sinh nhà thơ Tarax Septrencô. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, 3 – 1984.

What do you think?

Lắng nghe giọt nắng, hạt mưa và nỗi nhớ trong thơ Nguyễn Văn Thích

Hiền Nguyễn được chọn thiết kế trang phục cho công chúa Malaysia